Gọi là “chữ”, nhưng thực ra cả hai đều là những biểu tượng. Người Việt gọi hai biểu tượng này bằng hai tên gọi khác nhau, nhưng người Tây phương đều gọi là Swastika, vì cả hai có hình thức bề ngoài hoàn toàn giống nhau. Một số tài liệu Phật giáo, thậm chí cả một số Bách khoa toàn thư, đã cố gắng chứng minh rằng hai biểu tượng này có hình dạng khác nhau – khác nhau về chiều quay và khác nhau về tư thế thẳng đứng hoặc nghiêng: Chữ Vạn quay thuận chiều, “chữ thập ngoặc” quay ngược chiều; Chữ Vạn thẳng đứng, “chữ thập ngoặc” đổ nghiêng. Nhưng thực tế không đúng như thế: Chữ “Vạn” của Phật giáo sử dụng cả hai chiều quay trái ngược nhau, “chữ thập ngoặc” của Đức Quốc Xã sử dụng cả hình đứng lẫn hình nghiêng. Tóm lại về hình thức bề ngoài, hai biểu tượng này hoàn toàn giống nhau. Vì thế, cần tìm hiểu vì sao có sự “trùng lặp” khó hiểu như vậy. Tuy nhiên, tìm hiểu lịch sử của Swastika chúng ta sẽ thấy rằng:
PHẦN II –TỪ HỌC THUYẾT BỆNH HOẠN ĐẾN SWASTIKA CỦA QUỶ DỮ
Lý thuyết “chủng tộc thượng đẳng” (master race) của chủ nghĩa Quốc Xã (nazism) là một quái thai trong lịch sử loài người, nhưng quái thai ấy không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Nó là con đẻ của một “bà mẹ bệnh hoạn” – Học thuyết Darwin-xã-hội (Social-Darwinist Ideology) – và một “ông bố điên rồ” – Tư tưởng phục thù (Feeling of Revenge) trong xã hội Đức sau Thế Chiến I.
Khi đã có Học thuyết Darwin-xã-hội làm cơ sở “khoa học” để suy tôn “chủng tộc Đức” thành “chủng tộc thượng đẳng có quyền thống trị thế giới”, chủ nghĩa Quốc Xã chỉ còn thiếu một lá cờ với biểu tượng thích hợp. Nhưng đích thân Hitler đã tìm thấy biểu tượng đó: Swastika của người Aryan!
Vậy trước hết hãy tìm hiểu xem Học thuyết Darwin-xã-hội là gì?
Học thuyết Darwin-xã-hội là lý thuyết cho rằng xã hội loài người tiến hoá thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, trong đó chủng tộc nào thông minh hơn, khoẻ mạnh hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn sẽ là chủng tộc có quyền tồn tại; chủng tộc nào dốt nát, ốm yếu, kém thích nghi với môi trường sẽ bị đào thải. Đây là kết quả của việc áp dụng một cách máy móc Thuyết tiến hoá của Darwin vào trong xã hội loài người.
Không phải ngẫu nhiên mà có sự áp dụng máy móc đó. Đây là hệ quả của việc áp dụng tràn lan chủ nghĩa thực chứng (positivism) vào trong xã hội học.
Chủ nghĩa thực chứng do Auguste Comte (1798-1887) nêu lên từ những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 19, trong đó cho rằng một hệ thống lý thuyết chỉ trở thành khoa học thực sự khi nó có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm trong thực tế.
Với thắng lợi trong khoa học tự nhiên, chủ nghĩa thực chứng đã tạo ra tinh thần lạc quan mạnh mẽ trong thế kỷ 19, thúc đẩy các nhà xã hội học tìm cách giải thích hành vi của số đông (en masse behaviour) bằng những quy luật của tự nhiên.
Đúng lúc đó, Thuyết tiến hoá của Darwin ra đời. Những kẻ có đầu óc chủng tộc lập tức áp dụng Thuyết tiến hoá của Darwin để giải thích sự tiến hoá của xã hội loài người, khẳng định rằng về cơ bản xã hội loại người cũng phải tiến hoá theo quy luật của sinh giới nói chung. Đó chính là Học thuyết Darwin-xã-hội.
Học thuyết Darwin-xã-hội có liên quan gì đến cá nhân Darwin không?
Trước đây tôi luôn luôn nghĩ rằng Darwin chỉ nêu lên quy luật tiến hoá trong xã hội loài vật mà thôi. Việc đem lý thuyết của ông áp dụng một cách máy móc vào xã hội loài người là việc làm của những kẻ có đầu óc kỳ thị chủng tộc. Nhưng gần đây, tôi phải suy nghĩ rất nhiều khi đọc bài báo “What Darwin taught Hitler?” (Darwin đã dạy Hitler cái gì?) của Grenville Kent, trên tạp chí SIGNS of the Times ở Úc, số tháng 10 năm 1996, trong đó tác giả đã trích nguyên văn một phát biểu của Darwin như sau:
“Trong một tương lai không xa lắm, có thể đo bằng số thế kỷ, các chủng tộc văn minh của loài người hầu như sẽ tiêu diệt và thay thế các chủng tộc dã man trên thế giới”.
Có thật Darwin đã nói như thế hay không? Trong bài báo nói trên, Kent nói rõ rằng câu nói này nằm trong cuốn On the Origin of Species (Về nguồn gốc các loài), tác phẩm nổi tiếng nhất của Darwin. Nếu đúng như thế thì không thể trách tại sao ở Phương Tây hiện nay, một nửa giới khoa học chống lại Darwin. Liệu một lý thuyết thực sự khoa học có thể bị một nửa thế giới chống lại nó hay không? Điều này chúng ta không hề thấy ở các học thuyết khác, như Cơ học Newton, Thuyết tương đối của Einstein, Cơ học lượng tử của Bohr-Heisenberg, v.v.
Ngay từ năm 1934, Lý Tôn Ngô đã viết trong cuốn “Hậu Hắc Học” rằng “Darwin phát minh (ra học thuyết) sinh vật tiến hoá cũng như Newton phát minh ra “Sức hút của quả đất”, là những công thần lớn của giới học thuật, điều ông nói “Muốn sinh tồn phải cạnh tranh mạnh được yếu thua” là một điều không khỏi lệch lạc, cần uốn nắn lại”.
Than ôi, nhân loại chưa kịp uốn nắn thì đã xẩy ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai thảm khốc chưa từng có – một cuộc chiến tranh bắt nguồn trực tiếp từ một đầu óc bệnh hoạn về đấu tranh sinh tồn dựa trên học thuyết Darwin!
Những người quen sùng bái Darwin như ông thánh sẽ dẫy nẩy lên khi thấy ông thánh của mình bị kết tội, nhưng chắc chắn họ không thể tranh cãi với Kent khi ông đặt dấu hỏi chua chát “Nếu Darwin đúng thì tại sao Hitler lại không được bào chữa về mặt khoa học?”. Theo Kent, chủ nghĩa Quốc Xã Đức đã từng lý luận rằng “Nếu chúng ta xuất thân từ động vật thì tại sao chúng ta không hành động theo quy luật (đấu tranh sinh tồn) đó?”. Thế đấy, dưới con mắt của chủ nghĩa Quốc Xã, con người trước hết là một động vật, do đó mọi hành vi trước hết phải tuân theo quy luật đấu tranh sinh tồn – một quy luật bất khả kháng của tự nhiên (!!!). Nếu Darwin đúng và nếu con người là một bộ phận của thế giới động vật thì cớ gì con người không tuân thủ những “định luật tiến hoá” của Darwin? Đó là một câu hỏi quá khó đối với tư duy khoa học logic máy móc – kiểu tư duy chủ yếu đến nay vẫn thống trị trong thế giới khoa học!
Ngày nay, khi Học thuyết Darwin-xã-hội đã lộ nguyên hình là một học thuyết bệnh hoạn, không ai có thể chấp nhận sự vay mượn tư tưởng từ một học thuyết thuần tuý sinh học để đem áp dụng vào xã hội loài người một cách thô thiển và đơn giản đến như thế. Nhưng than ôi, đó lại là một sự thật đã diễn ra vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, chúng ta không thể được phép quên!
Thật vậy, vào đầu thế kỷ 20, trường Đại học tổng hợp Berlin chặt cứng sinh viên ngồi nghe các giáo sư trình bầy Học thuyết Darwin-xã-hội. Trong đám thính giả có rất nhiều nhà ngoại giao, nhà quân sự, thương gia và các lãnh tụ của nhà nước Đức. Một trong số đó là Heinrich Himmler, kẻ sau này trở thành cánh tay phải của Hitler, đứng đầu bộ máy SS – bộ máy tàn sát chủng tộc khét tiếng của Nazi.
Bối cảnh ấy thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phục thù ở Đức phát triển mạnh mẽ, tạo nên một cơ sở xã hội để đảng Quốc Xã thắng thế vào cuối những năm 1920, đầu 1930, dẫn tới sự ra đời của Đế chế Thứ III (The Third Reich) với việc Adolf Hitler lên cầm quyền ở Đức năm 1933, thực hành một chính sách chủng tộc thảm khốc chưa từng có trong lịch sử.
II.2-Chủ nghĩa chủng tộc và phục thù:
Bước vào thế kỷ 19, trong khi các nước như Anh, Pháp đã trở thành những đế quốc lớn, hùng mạnh, thì Đức lúc đó vẫn bao gồm các tiểu vương quốc rời rạc. Mãi đến năm 1871 mới thống nhất thành một quốc gia. Sự tụt hậu này tạo cho giới trẻ Đức thời đó một cảm giác tủi hổ, bất mãn. Từ đó nước Đức có xu thế muốn vươn lên, chứng tỏ cho thế giới thấy mình không những không thua kém ai, mà còn vượt trội so với kẻ khác. Xu thế ấy là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc Thế Chiến I. Nhưng thất bại thảm hại của Đức trong cuộc thế chiến này lại càng đẩy thanh niên Đức lún sâu vào tâm trạng tủi hổ và bất mãn sâu sắc hơn nữa. Đễ chống lại căn bệnh tủi hổ này, những nhà lý luận có đầu óc chủng tộc đã cố gắng xới lên những học thuyết đề cao chủng tộc Đức, trong khi các nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc lại tuyên truyền cho chủ nghĩa phục thù, hứa hẹn sẽ lấy lại sức mạnh cho nước Đức, đưa nước Đức lên vị trí lãnh đạo thế giới.
Trong bối cảnh ấy, Lịch sử người Aryan và Swastika cùng với Học thuyết Darwin-xã-hội đã trở thành “những nguyên liệu quý giá” để những nhà lý thuyết và chính trị theo chủ nghĩa chủng tộc ở Đức chế biến nên một chủ thuyết chủng tộc trong đó khẳng định rằng người Aryan chính là thuỷ tổ của người Đức, người Đức chính là hậu duệ thuần chủng nhất và tinh tuý nhất của người Aryan, và do đó xứng đáng để lãnh đạo thế giới.
Một trong những kẻ đi tiên phong trong học thuyết này là Alfred Rosenberg. Rosenberg coi “chủng tộc Aryan là chủng tộc nằm ở bậc thang cao nhất trong “hệ thống các bậc thang chủng tộc” (racial hierarchy), trong khi “chung tộc Do Thái” nằm ở tầng dưới cùng và là một mối đe doạ đến “nền văn minh thuần nhất Aryan của Đức”, do đó cần phải bị đào thải. Hơn thế nữa, “chủng tộc Aryan” là chủng tộc duy nhất có khả năng sáng tạo nên những nền văn hoá và văn minh đích thực, trong khi các chủng tộc khác chỉ có khả năng giữ gìn hoặc phá hoại những nền văn hoá đó mà thôi. Rosenberg sau này đã trở thành cánh tay phải của Hitler về tuyền truyền và giáo dục tư tưởng Quốc Xã, đồng thời làm bộ trưởng Quốc Xã phụ trách khu vực chiếm đóng ở Liên Xô, cuối cùng bị đồng minh bắt năm 1945, bị xử tử hình tại toà án tội phạm chiến tranh Nuremberg ngày 16-10-1946.
Từ điển Lịch sử thế giới (Dictionary of World History) do Chambers của Anh xuất bản năm 1994 viết: “Nước Đức đã ôm lấy cái khái niệm phi khoa học về chủng tộc Đức như là bộ phận tinh tuý nhất trong chủng tộc Aryan, trong số những người cùng nói thứ ngôn ngữ Ấn-Âu, và rằng họ có trách nhiệm với tiến bộ của nhân loại (trang 60), … Chủ nghĩa Quốc Xã khẳng định rằng thế giới được chia thành một hệ thống nhiều thang bậc chủng tộc: Người Aryan, trong đó người Đức là đại diện thuần chủng nhất, là chủng tộc thượng đẳng về văn hoá, trong khi người Do Thái là thấp kém nhất. Điều đó cũng có nghĩa là người Do Thái sẽ bị người Aryan tiêu diệt loại bỏ khỏi thế giới …(trang 661)”.
Một khi đã tự nhận mình là hậu dệ tinh tuý nhất của người Aryan thì đương nhiên, những kẻ theo chủ thuyết chủng tộc Đức cũng sẽ tự nhận Swastika là biểu tượng của họ, bởi như chúng ta đã biết trong bài kỳ trước: Nhà khảo cổ học Heinrich Schliemann đã khám phá ra rằng Swastika là một biểu tượng đặc trưng Ấn-Âu, tức đặc trưng của người Aryan. Đó là lý do để chủ nghĩa Quốc Xã đã chộp lấy Swastika để biến thành biểu tượng của chúng.
II.3-Swastika rơi vào tay quỷ dữ:
Cuối thế kỷ 19, Swastika của người Aryan đã xuất hiện trong tạp chí về chủng tộc xuất bản định kỳ của những người Đức theo chủ nghĩa quốc gia và là biểu tượng chính thức của những vận động viên thể thao Đức.
Đầu thế kỷ 20, Swastika của người Aryan đã trở thành một biểu tượng chung của chủ nghĩa dân tộc Đức (German nationalism) và có thể tìm thấy ở nhiều nơi như biểu tượng của Wandervogelb – một phong trào tuổi trẻ Đức; trên tạp chí Ostarra, một tạp chí định kỳ bài Do Thái của Joerg Lanz von Liebenfels; trên nhiều đơn vị Freikorps khác nhau; và như một biểu tượng của Hội Thule.
Nhưng Swastika chỉ chính thức trở thành biểu tượng của quỷ dữ kể từ khi Hitler chính thức sử dụng biểu tượng đó.
Sau hai lần thi trượt vào Đại học Mỹ thuật vì bị phê là “thiếu tài năng”, Hitler rất hậm hực bất mãn. Năm 1909, Hitler rơi vào cảnh nghèo túng, nhưng được một người Do Thái là Hanisch giúp kiếm sống bằng cách vẽ bưu ảnh để bán cho du khách (tổng cộng trước Thế Chiến I, hắn đã bán được 2000 bưu thiếp). Trớ chêu thay, chẳng bao lâu sau Hitler đã phản bội lại người giúp đỡ mình khi hắn say mê với những lý thuyết về chủng tộc Aryan, coi người Do Thái là kẻ thù của người Aryan và phải chịu trách nhiệm về những khủng hoảng trong nền kinh tế Đức.
Đến những năm 1920, khi Hitler trở thành lãnh tụ đảng Quốc Xã, hắn thấy đảng này cần phải có một lá cờ và biểu tượng riêng của nó.
Năm 1923, Hitler bị phạt tù 5 năm vì một hành động chống chính phủ. Trong tù, hắn viết tác phẩm “Mein Kampf” (Cuộc đấu tranh của tôi), trong đó viết: “Lá cờ mới phải là một biểu tượng của cuộc đấu tranh riêng của chúng ta, đồng thời có hiệu quả cao như một áp-phích tuyên truyền”. Không những thế, vốn xuất thân là một thợ vẽ, Hitler còn thiết kế ra hình ảnh cụ thể của lá cờ đó, trong đó Swastika của người Aryan được đặt chính giữa trên một hình tròn mầu trắng. Hắn viết trong Mein Kampf: “Mầu trắng thể hiện tư tưởng dân tộc, biểu tượng Sawstika thể hiện sứ mạng đấu tranh vì thắng lợi của người Aryan, đồng thời nói lên sự chiến thắng của tinh thần sáng tạo, một tinh thần đã và sẽ mãi mãi chống lại bọn Do Thái”.
Chẳng bao lâu sau, Mein Kampf đã nhanh chóng trở thành cuốn “kinh thánh” của đảng Quốc Xã, chứa đựng tất cả các giáo điều của chủ nghĩa Quốc Xã, bao gồm cả những kỹ thuật tuyên truyền và kế hoạch làm thế nào để trước tiên chiếm lĩnh nước Đức, sau đó là chiếm lĩnh châu Âu.
Đến đây độc giả thấy rõ chính đích thân Hitler đã chọn Swastika của người Aryan làm biểu tượng cho đảng Quốc Xã. Từ năm 1933, khi đảng Quốc Xã thắng cử ở Đức, Hitler trở thành quốc trưởng của Đế Chế Thứ III, thì Swastika trở thành biểu tượng của cả nhà nước Quốc Xã và quân đội Quốc Xã. Kể từ đó, Swastika bị coi là biểu tượng của quỷ dữ. Sau Thế Chiến II, Swastika bị cấm phô bầy tại rất nhiều nước Âu châu.
Trong thời đại hiện nay, khi sự giao lưu trao đổi văn hoá giữa các quốc gia, các sắc tộc, các vùng địa lý, các truyền thống văn hoá khác nhau ngày một phát triển, thì hai nhận thức khác nhau về Swastika đã gây nên những hiểu lầm và va chạm rất đáng tiếc, thậm chí có nơi đã xẩy ra xung đột. Chỉ có một cách duy nhất thanh toán sự hiểu lầm và xung đột này là mọi người phải biết rõ lịch sử của Swastika, để có thể phân biệt được đâu là Swastika của cái Thiện, đâu là Swastika của quỷ dữ. Vì thế, lịch sử là một khoa học rất cần thiết đối với nhận thức nói chung.
Các dạng khác nhau qua thời gian của chữ Vạn, từ trái qua phải: chữ Vạn trên băng đeo tay của Đức quốc xã, chữ Vạn bên cạnh vị thần Bắc Âu Odin, và chữ Vạn trên một bức tượng Phật. (Ảnh: Getty Images và Bảo tàng quốc gia Đan Mạch).
Mới đây, các nhà sử học Đan Mạch vừa công bố họ đã phát hiện ra bằng chứng cổ xưa nhất cho thấy con người tôn sùng thần chiến tranh và chết chóc của Bắc Âu, thần Odin. Bên cạnh chân dung của thần Odin là một ký hiệu nhỏ giống với chữ Vạn từng được coi là biểu tượng của hòa bình, thịnh vượng và may mắn.
Ngày nay, nhiều người coi chữ Vạn là biểu tượng của sự thù hận, cực đoan và nguy hiểm, mà thực ra nó đã có một lịch sử lâu dài và đa dạng vượt xa khỏi biểu tượng mà Adolf Hitler và Đảng Quốc xã Đức tàn nhẫn từng sử dụng vào thế kỷ trước.
Từ "Vạn" xuất xứ từ một từ "svastika" trong tiếng Phạn có nghĩa là "may mắn" hoặc "hạnh phúc". Theo như chúng ta biết, từ này xuất hiện xa xưa nhất là trên một bức tượng chim bằng ngà voi ma mút 15.000 năm tuổi, do nhà khoa học người Ucraine Federik Volkov tìm thấy.
Trên ngực con chim, mà hiện giờ vẫn được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Ucraine, có một hình khắc các chữ Vạn nối liền nhau. Bức tượng này được tìm thấy cùng với nhiều đồ vật có hình dương vật, cho thấy rằng chữ Vạn được dùng như một biểu tượng may mắn để cầu mong khả năng sinh sản dồi dào.
Nghệ thuật trang trí bằng màu sắc Rangoli trong lễ hội ánh sáng Diwali ở Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images).
Ngày nay, chữ Vạn vẫn được sử dụng rộng rãi trong một số tôn giáo ở Ấn Độ.
Trong Kỳ Na giáo, chữ Vạn tượng trưng cho bốn trạng thái tồn tại: Thiên giới, Nhân loại, Địa ngục và cuộc sống gần giống loài người. Trong tín ngưỡng Hỏa giáo, một trong những tôn giáo lâu đời nhất thế giới, bốn ngạnh của chữ Vạn tượng trưng cho nước, lửa, không khí và đất. Còn trong Phật giáo, ký hiệu này được dùng để thể hiện bước chân của Đức Phật. Trên khắp Ấn Độ, biểu tượng này được vẽ ở cánh cửa vào các cửa hàng, trên phương tiện giao thông, bao bì đựng thực phẩm và ở các lễ hội.
Nhiều vùng khác ở châu Á cũng du nhập ký hiệu này. Ở Trung Quốc, đây là biểu tượng có ý nghĩa "nguồn gốc của mọi điều may mắn" do Hoàng đế Võ Tắc Thiên dùng đầu tiên vào năm 693. Theo Bảo tàng châu Á - Thái Bình Dương, khi cầu khấn mà dùng thêm chữ Vạn thì điều cầu khấn đó sẽ tăng thêm giá trị gấp 10.000 lần.
Các tín đồ tôn giáo Bắc Âu đã sử dụng biểu tượng chữ Vạn ngay từ năm 401, phổ biến nhất là cùng với những mô tả về Thor, vị thần của sấm sét, bầu trời và nông nghiệp. Biểu tượng này cũng được vẽ bên cạnh hình ảnh của vị thần cha của Thor là thần Odin.
Không chỉ người Bắc Âu sử dụng chữ Vạn. Người Celts, Druids và Vikings cũng sử dụng ký hiệu này.
Theo chuyên gia nghệ thuật người Mỹ Steven Heller, chữ Vạn được dùng ở châu Âu để thể hiện sự may mắn từ xa xưa đến tận đầu thế kỷ XX. Người châu Âu sử dụng ký hiệu này theo nhiều cách trước khi Hitler thay đổi nó. Họ coi đây là biểu tượng của sự may mắn, khả năng sinh sản, hạnh phúc, Mặt Trời và nó mang ý nghĩa tinh thần cũng như giá trị thương mại khi được in cùng với các nhãn hiệu hàng hóa.
Gần 100 năm trước, nhiều công ty dùng biểu tượng này trên nhãn hiệu hàng hóa của mình. Công ty bia Carlsberg in hình chữ Vạn cùng với logo công ty. Không quân Phần Lan và thậm chí cả Hướng đạo sinh Anh cũng dùng biểu tượng này.
Tuy vậy, mọi thứ đều thay đổi bắt đầu từ những năm 1920.
Một chai bia của hãng Carlsberg có nhãn hiệu đi cùng với chữ Vạn. (Ảnh: Getty Images).
Một số nhà nghiên cứu cho rằng những người theo văn hóa Aryan sử dụng biểu tượng này làm dấu hiệu của may mắn và thịnh vượng.
Chủ nghĩa Thượng đẳng Aryanism thường gắn với niềm tin về sự thuần khiết chủng tộc, nhưng theo Bảo tàng tưởng niệm Holocaust ở Mỹ, người Aryan có nguồn gốc Ấn - Âu và sinh sống khắp Ấn Độ, Iran (thời đó là Ba Tư), và châu Âu.
Sự phân loại của Chủ nghĩa Thượng đẳng thường được dùng để nói đến các ngôn ngữ chung được sử dụng trong nền văn hóa đó, nhưng sau đó nó được sử dụng như một cách phân loại chủng tộc.
Sự giống nhau giữa các ngôn ngữ Aryan với tiếng Đức được cho là đã ảnh hưởng đến niềm tin của Hitler. Ông ta cho rằng người Aryan, đặc biệt là những người từ Ấn Độ và người Đức có dòng dõi "thuần khiết".
Sau khi Đảng Quốc xã của Hitler chọn chữ Vạn làm biểu tượng chính thức vào năm 1920, nó dần dần được coi là biểu tượng của sự thuần chủng chủng tộc, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố toàn trị.
Và như vậy, chữ Vạn đã đi một chặng đường dài để rồi biến đổi từ nguồn gốc ban đầu là biểu thị sự may mắn. Khi Đảng Quốc xã lên nắm quyền ở Đức vào năm 1933, Hitler ban sắc lệnh rằng lá cờ của Đức phải được treo cùng với lá cờ đỏ nổi tiếng có hình chữ Vạn màu đen rất to.
Ngày nay, chữ Vạn với ý nghĩa cao đẹp một thời lại bị coi là hiện thân của cái ác, đại diện cho nạn diệt chủng, phòng hơi ngạt và hàng triệu người đã bị giết trong nạn diệt chủng Holocaust.
Mặc dù vậy, một số người đang cố gắng thay đổi điều đó. Họ không muốn mọi người quên đi sự tàn bạo của Đế chế thứ ba của Hitler nhưng vẫn muốn làm sống lại ý nghĩa văn hóa rộng lớn của chữ Vạn.
Vào năm 2022, diễn viên Sheetal Deo người Ấn Độ ở New York, Mỹ, nơi có 1,6 triệu người Do Thái sinh sống, cho biết cô được yêu cầu gỡ bỏ hình trang trí Diwali - lễ hội ánh sáng trong Ấn Độ giáo - trong nhà của cô vì có biểu tượng chữ Vạn, nhưng cô không nghĩ rằng mình phải xin lỗi vì dùng biểu tượng thiêng liêng đó chỉ đơn giản vì nó thường bị nhầm lẫn với cách hiểu tiêu cực.
Nhưng chuyên gia nghệ thuật Steven Heller nói rằng "một bông hoa hồng dù có bất kỳ tên gọi nào vẫn là một bông hoa hồng, chỉ là cách mà biểu tượng đó tác động đến thị giác và cảm xúc của bạn. Đối với nhiều người, nó tạo ra tác động theo bản năng chứ không theo lý trí, và không may sự thật là như vậy."